Bất động sản nghỉ dưỡng Việt Nam vẫn còn gặp nhiều thách thức
Từ thời điểm các thị trường lớn mở cửa trở lại, tỷ lệ lấp đầy khách sạn ở khu vực Đông Nam Á có xu hướng tăng lên đáng kể. Tuy nhiên, những biến động kinh tế luôn hiện hữu. thị trường lao động cạnh tranh, chi phí năng lượng tăng cao, căng thẳng địa chính trị và chi phí đi lại đắt đỏ vẫn tiếp tục tác động đến thị hiếu hiện tại, tạo ra những thách thức cho ngành bất động sản nghỉ dưỡng Việt Nam.
Ngày 01/11/2023 vừa qua, Hội nghị Meet The Experts (MTE) với chủ đề “Re-Energizing The Hospitality & Real Estate Market” (Tái tạo năng lượng thị trường bất động sản) đã được tổ chức tại Hà Nội, thu hút hơn 30 diễn giả cùng 700 chuyên gia trong ngành Bất động sản và Bất động sản nghỉ dưỡng tham gia. Hội nghị có sự góp mặt của Savills Hotels, WeHub, Vasta Stone, Dulux Professional và hơn 30 đơn vị đầu ngành chủ lực, mang đến không gian bổ ích, tạo nên cơ hội học hỏi và trau dồi tuyệt vời đến các Nhà đầu tư, Chủ sở hữu khách sạn, Công ty quản lý, Công ty thiết kế và các Đơn vị tư vấn nhằm nâng cao kiến thức chuyên môn của họ.
Thực tế hiện nay, Việt Nam vẫn còn đang bị thách thức bởi tình trạng dư thừa phòng trống, ảnh hưởng bởi sự quay trở lại chậm trễ từ các thị trường trọng điểm như Trung Quốc và Nga. Từ năm 2013 đến năm 2023, Nha Trang, Phú Quốc, Đà Nẵng, Hạ Long và Hội An chiếm 54% nguồn cung phòng mới. Theo Savills Việt Nam, các điểm đến bãi biển đã tăng trưởng 16% mỗi năm trong thập kỷ qua, cao hơn đáng kể so với mức tăng trưởng 6% hàng năm tại Thành phố Hồ Chí Minh và Hà Nội.
Trong 9 tháng đầu năm 2023, Hàn Quốc là thị trường khách quốc tế lớn nhất đến Việt Nam với 2,6 triệu lượt, tuy nhiên vẫn thấp hơn mức năm 2019 khoảng 18%. Song song đó, thị trường Trung Quốc vẫn đang từng bước khôi phục, nhưng chỉ tương đương 28% so với cùng kỳ 2019. Thị trường khách châu Mỹ và châu Úc thấp hơn so với cùng kỳ 2019 khoảng 7%, đạt tổng 1,1 triệu lượt khách.
Được biết, một số điểm đến như Hạ Long, Mũi Né và Nha Trang chỉ tập trung phát triển chào đón khách du lịch cùng một phân khúc. Cụ thể, hơn 80% nguồn cung bất động sản rơi vào phân khúc trung cấp – cao cấp. Đây là phân khúc có sự cạnh tranh cao về mặt bằng giá, thường có mức giá khá hấp dẫn. Theo Savills Việt Nam, những bất động sản này phải đối mặt với sự cạnh tranh từ các sản phẩm bất động sản nghỉ dưỡng do chủ sở hữu tự kinh doanh, cho thuê với chính sách giá bán linh động để thu hút nguồn cầu.
Mauro Gasparotti – Giám đốc Savills Hotels và là người chủ trì hội nghị cho biết: “Sự phát triển quá mức tại một số điểm đến không phải là vấn đề duy nhất; thực chất vấn đề khởi nguồn từ việc tạo ra những sản phẩm chưa thực sự phù hợp với điều kiện thị trường hiện tại. Sự tăng trưởng của ngành du lịch (đặc biệt là từ nguồn cầu quốc tế trước đại dịch) đã nhanh chóng thúc đẩy phát triển bất động sản khách sạn nói riêng và toàn bất động sản nghỉ dưỡng nói chung. Tuy nhiên, một số Chủ đầu tư đã vội vàng “dấn thân” vào thị trường khi chưa có sự xem xét, nghiên cứu thấu đáo trong quá trình hoạch định kế hoạch, từ đó dẫn đến tình trạng thiếu hụt màu sắc dịch vụ và phân khúc, gây lệch cung cầu ở một số điểm đến trọng điểm. Mặc dù vậy, một số bất động sản nghỉ dưỡng vẫn được xây dựng khá tốt, tuy nhiên cũng có nhiều tình trạng Chủ đầu tư chú trọng số lượng hơn chất lượng. Việc thiếu cân nhắc này dẫn đến các yếu tố đặc điểm thị trường, không chỉ vậy cũng tiềm ẩn những rủi ro khi các dự án được phát triển nhưng không đáp ứng được nhu cầu trải nghiệm của khách hàng. Nhất là giờ đây, so với các điểm đến trong nước, người dân Việt Nam với sở thích du lịch đã có thể lựa chọn việc du lịch nước ngoài nhiều hơn bởi ngành du lịch đã tạo điều kiện du lịch thuận tiện, dễ dàng hơn”.
Các chuyên gia tại MTE thừa nhận những trở ngại vẫn tiếp tục xảy ra nhưng vẫn có những dấu hiệu lạc quan về động lực và dự báo hiệu quả hoạt động đi lên vào cuối năm 2023. Các bản cập nhật thị thực gần đây cũng sẽ hỗ trợ hiệu quả hoạt động cho đến năm 2024.
Cũng tại hội nghị, các đại diện cấp cao đến từ Tập đoàn khách sạn Sovico, Tập đoàn khách sạn Accor, Hoiana Resort & Golf và Wyndham Hotels, Booking.com đã thảo luận về những thách thức, tiềm năng của ngành nghỉ dưỡng Việt nam, lợi thế cạnh tranh của toàn ngành du lịch Việt Nam từ đó họ đưa ra những giải pháp tối ưu nhất nhằm thúc đẩy phân khúc khách sạn có thể khôi phục, phát triển lâu dài và bền vững.
Theo các chuyên gia cấp cao từ Lodgis Hospitality, Savills Việt Nam, Tập đoàn Shangri-La, Nobu Hospitality, TCC Land International (Thái Lan), Tập đoàn khách sạn Radisson và Indochine Capital đã chỉ ra những khu dân cư có tiếng và cao cấp, từ đó nhấn mạnh chiến lược tận dụng ẩm thực và trải nghiệm các yếu tố văn hóa trong sự phát triển sử dụng hỗn hợp trong tương lai.
Bà Nguyễn Mỹ Lan, Tổng giám đốc AkzoNobel Việt Nam cho biết, “Thị trường khách sạn và bất động sản nghỉ dưỡng đang bước vào giai đoạn phục hồi quan trọng. Đây là lúc các doanh nghiệp, nhà đầu tư cần nỗ lực đáng kể để giới thiệu những trải nghiệm, sản phẩm mới phù hợp với nhu cầu thực tế của khách hàng. Giới thiệu điểm nhấn riêng biệt của sản phẩm là cách tiếp thêm sức sống cho các khu đô thị và nâng cao không gian sống”.
Được biết, sự kiện MTE tiếp theo về tái tạo bất động sản sẽ diễn ra tại Thành phố Hồ Chí Minh vào tháng 3 năm 2024.
(Dịch theo Vietnam Investment Review) – https://vir.com.vn/property